Lịch sử Tái_chế_phụ_phẩm_động_vật

Sự phát triển của tái chế phụ phẩm giết mổ có ý nghĩa trong việc tận dụng các phụ phẩm của công nghiệp chế biến thịt, do đó cho phép sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến thịt quy mô công nghiệp lớn làm cho thực phẩm trở nên có tính kinh tế hơn cho người tiêu dùng. Việc tái chế phụ phẩm đã được thực hiện trong nhiều thế kỷ chủ yếu để làm xà phòng và nến. Việc tái chế phụ phẩm sớm nhất được thực hiện trong một ấm được nấu trực tiếp trong bếp lửa. Kiểu tái chế này vẫn được thực hiện ở các trang trại để chế biến mỡ lợn tươi sống thành mỡ ăn. Với sự phát triển của nồi hơi, người ta đã có thể sử dụng các thiết bị hơi nước để tạo ra sản phẩm cao cấp hơn và giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn.

Vào thế kỷ 19, một bước phát triển hơn nữa đã xuất hiện với việc sử dụng thiết bị nấu mỡ bằng nồi hấp hơi nước. Nó là một thùng chứa kín được sử dụng như một nồi áp suất, trong đó hơi nước áp lực cao được bơm vào vật liệu đang được tái chế. Quá trình này là một quá trình tái chế ẩm được gọi là "nấu thùng kín" và được sử dụng cho các sản phẩm ăn được cũng như các sản phẩm không ăn được, mặc dù các sản phẩm ăn được phẩm cấp tốt hơn đã được tạo ra bằng cách sử dụng quy trình ấm/nồi hở. Sau khi vật liệu được nấu thùng kín, chất béo sẽ chảy hết, phần nước còn lại (nước thùng kín) sẽ chảy vào một bể chứa riêng và các chất rắn được lọc và sấy khô bằng cách ép và sấy khô bằng hơi nước trong thùng hấp cách thủy. Nước trong bể chứa hoặc cho chảy vào cống thoát nước hoặc cho bay hơi để tạo keo hoặc cô đặc đạm để thêm vào phân bón. Các chất rắn sấy khô từ thùng hấp cách thủy sẽ được sử dụng để làm phân bón.

Năm 1906 Upton Sinclair xuất bản tiểu thuyết The Jungle, một thuyết trình về công nghiệp chế biến thịt ở Chicago, đã tạo ra sự phẫn nộ của công chúng. Tác phẩm của ông đã giúp thông qua Đạo luật Thực phẩm và Dược phẩm Sạch năm 1907, mở đường cho việc thành lập Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Thùng áp suất đã làm cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến thịt ở Chicago, Hoa Kỳ trở thành hiện thực, với sự tập trung của nó trong một khu vực địa lý, vì nó cho phép xử lý các phụ phẩm mà nếu không có sẽ gây ra ô nhiễm môi trường ở khu vực đó. Ban đầu, các công ty nhỏ mọc lên gần các nhà máy đóng gói thịt đã thực hiện công việc tái chế phụ phẩm. Sau đó, các nhà đóng gói thịt cũng dấn vào công nghiệp tái chế phụ phẩm. Gustavus Swift, Nelson MorrisLucius Darling là những người tiên phong của ngành công nghiệp tái chế phụ phẩm ở Hoa Kỳ, với sự ủng hộ cá nhân và/hoặc trực tiếp tham gia của họ vào ngành công nghiệp tái chế phụ phẩm.

Những đổi mới đến nhanh chóng trong thế kỷ 20. Một vài trong số này là sử dụng các sản phẩm tái chế và một vài số khác là các phương thức tái chế. Trong thập niên 1920, một quy trình tái chế khô theo từng mẻ được phát minh, nguyên liệu được nấu trong các nồi hấp cách thủy hình trụ tròn nằm ngang (tương tự như các thiết bị sấy phân bón thời đó). Các ưu điểm được cho là của quy trình tái chế khô bao gồm tiết kiệm năng lượng, hiệu suất tách protein tốt hơn, chế biến nhanh hơn và ít mùi khó chịu hơn. Qua nhiều năm, quy trình "nấu thùng kín" ẩm đã được thay thế bằng quy trình tái chế khô. Vào cuối Thế chiến thứ hai, hầu hết thiết bị tái chế phụ phẩm đều sử dụng quy trình tái chế khô. Trong thập niên 1960, các quy trình chế biến khô liên tục đã được giới thiệu rộng rãi, một quy trình sử dụng một biến thể của tủ nấu khô thông thường và quy trình kia sử dụng quy trình băm nhỏ và bay hơi để sấy khô vật liệu và tạo ra chất béo.

Trong thập niên 1980, chi phí năng lượng khá cao đã thúc đẩy sự phổ biến của các quy trình theo phương pháp "ẩm". Các quy trình này tiết kiệm năng lượng hơn và cho phép sử dụng lại quy trình hơi nước để làm nóng trước hoặc sấy khô vật liệu trong quy trình này. Sau Thế chiến thứ hai, chất tẩy rửa tổng hợp xuất hiện, thay thế xà phòng trong việc giặt giũ trong gia đình và trong công nghiệp giặt. Vào đầu thập niên 1950, hơn một nửa thị trường chất béo không ăn được đã biến mất. Việc chuyển đổi các nguyên liệu này thành thức ăn chăn nuôi đã sớm thay thế thị trường xà phòng đã mất và cuối cùng trở thành mục đích sử dụng lớn nhất cho việc sản xuất, tái chế các chất béo không ăn được.

Việc sử dụng rộng rãi "thịt bò đóng hộp", trong đó thịt bò được chia theo khẩu phần tiêu dùng tại các nhà máy đóng gói thay vì các cửa hàng và chợ bán thịt địa phương, có nghĩa là mỡ và thịt vụn sẽ ở lại các nhà máy đóng gói và được các tổ tái chế của nhà máy đóng gói tái chế, thay vì do các công ty tái chế độc lập tái chế. Việc khước từ và quay lưng với việc tiêu thụ chất béo động vật của những người tiêu dùng để ý kỹ về chế độ ăn uống của mình dẫn đến dư thừa các sản phẩm chất béo có thể ăn được và dẫn đến việc chuyển hướng sang sản xuất xà phòng và hóa chất từ dầu mỡ, thay thế cho việc tái chế chất béo không ăn được và góp phần vào sự biến động thị trường của mặt hàng này. Việc tái chế chất béo cũng được thực hiện ở quy mô nhà bếp bởi các đầu bếp và những người nấu ăn tại gia.